Màu sắc của các sản phẩm từ gia cầm như lòng đỏ trứng, thịt sống là một trong những tiêu chí quan trọng ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng thông qua đánh giá cảm quan đối với thực phẩm, khách hàng thường cho rằng lòng đỏ vàng, màu da của thịt gia cầm có màu vàng là những loại thực phẩm tốt chất lượng, mang lại sức khỏe cho họ. Chính vì vậy, hiện nay người chăn nuôi cần phải chú ý đến yếu tố màu sắc bằng cách bổ sung thêm Beta-carotene vào khẩu phần ăn của gia cầm nhằm tăng sự thu hút với người mua, đồng thời góp phần thúc đẩy sức khỏe và tận dụng được các hoạt tính sinh học của chúng đối với hệ miễn dịch và năng suất của gia cầm.
Beta-carotene là gì?
Beta-carotene là một loại thuộc nhóm caroteniod, dưới tác động của enzyme, nó được chuyển thành vitamin A, và nó là nguồn cung cấp vitamin A chính trong khẩu phần ăn của gia cầm. Beta-carotene được hấp thụ từ tá tràng và nếu có mặt chất béo trong đường ruột, nó được hấp thụ nhanh hơn. Quá trình chuyển đổi oxy hóa thành vitamin A chủ yếu được thực hiện ở niêm mạc ruột, các cơ quan như gan, thận và phổi.
Carotenoid là là các hợp chất tự nhiên có trong động vật và thực vật, hòa tan trong lipid, tạo ra nhiều màu sắc với màu vàng, cam và đỏ, được tìm thấy trong các loại thực vật, vi tảo, vi khuẩn và nấm khác nhau. Gần đây, sự quan tâm đến việc sử dụng carotenoids, đặc biệt là Beta-carotene làm nguyên liệu thức ăn trong ngành chăn nuôi gia cầm đang tăng lên rõ rệt nhờ đặc tính thúc đẩy sức khỏe và tạo sắc tố cho các sản phẩm như lòng đỏ trứng, da, mỡ, gan và lông.
Vì gia cầm là loài không có khả năng tổng hợp Beta-carotene, và do đó các hợp chất thiết yếu này phải được bổ sung từ khẩu phần ăn bên ngoài. Các sản phẩm như ngô vàng, cúc vạn thọ và cỏ linh lăng...là những nguồn rất giàu Beta-carotene và hiện nay trên thị trường có dòng sản phẩm Dầu cọ đỏ cũng là một nguồn giàu Beta-carotene để bổ sung vào khẩu phần ăn của gia cầm.
Bên cạnh chức năng tạo màu sắc thì Beta-carotene còn là một chất chống oxy hóa mạnh, tham gia vào hệ thống miễn dịch, giúp cho gia cầm chống lại được các mầm bệnh từ bên ngoài, cải thiện sức khỏe và tăng năng suất chất lượng thịt.
Vai trò của Beta-carotene đối với gia cầm
Beta-carotene đóng một vai trò quan trọng đối với sắc tố của lòng đỏ trứng, da, chân, mỏ, lông và chất béo. Gia cầm ăn khẩu phần thiếu Beta-carotene dẫn đến màu sắc của lòng đỏ trứng hoặc màu da nhợt nhạt. Do đó, sắc tố đồng đều cho biết tình trạng sức khỏe và chất lượng của sản phẩm gia cầm. Nhiều nghiên cứu cho rằng, Beta-carotene được sử dụng làm chất tạo màu trong ngành thực phẩm, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi (Astorg, 1997). Nó có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng da, trứng và thịt (Liufa và cộng sự, 1997), ảnh hưởng lớn đến màu sắc da gà mái và lòng đỏ trứng, chất lượng trứng và thịt (Sirri và cộng sự, 2007). Khoảng 40%-45% tổng hàm lượng Beta-carotene được tìm thấy trong lòng đỏ trứng (Surai et al., 1999). Vì vậy có thể nói, Beta-carotene giúp tạo màu cho các sản phẩm trứng và thịt gia cầm.
Đối với hệ thống miễn dịch, vì chăn nuôi gia cầm hiện nay bị đe dọa bởi số lượng bệnh tật và các yếu tố bên ngoài, ví dụ, vi khuẩn gây bệnh, vi rút, stress nhiệt, điều kiện môi trường và các yếu tố bệnh lý khác đặt ra những thách thức đối với gia cầm, do vậy, gia cầm cần một hệ thống miễn dịch đủ khỏe mạnh để chống lại những vấn đề trên. Carotenoid và một số hợp chất có nguồn gốc từ thực vật đã chứng minh khả năng chữa bệnh và cải thiện sức khỏe tuyệt vời ‐ thúc đẩy tiềm năng tăng năng suất của gia cầm (Yatao và cộng sự, 2018 ). Một trong những nguồn thích hợp nhất là β-carotene, có hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Trong các nghiên cứu, người ta đã nhấn mạnh rằng Beta-carotene giúp tăng cường sự sống sót của gia cầm bằng cách tăng cường hệ thống miễn dịch và ảnh hưởng tích cực đến các thông số sức khỏe và năng suất.
Beta-carotene có đặc tính chống oxy hóa mạnh, có thể ngăn ngừa sự hư hỏng của trứng và thịt. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Beta-carotene có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách nâng cao phản ứng kháng thể trong cơ thể gia cầm và ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, nhiễm độc tố nấm mốc. Chúng làm giảm bớt tác động bất lợi của stress oxy hóa thông qua một số cơ chế, bao gồm loại bỏ các gốc tự do, điều chỉnh việc sản xuất các enzym chống oxy hóa và kích hoạt phản ứng bảo vệ tế bào (Lauretani và cộng sự, 2008 ).
Một nghiên cứu được thực hiện trên gà, nhóm được cho ăn khẩu phần có chứa Beta-carotene đã được báo cáo là tạo ra hiệu giá kháng thể cao hơn chống lại bệnh Newcastle (McWhinney et al., 1989). Họ cũng báo cáo rằng Beta-carotene được sử dụng kết hợp với vitamin E có thể giúp bảo vệ nhiều hơn chống lại sự lây nhiễm của Escherichia coli (Tengerdy và cộng sự, 1990). Khi khẩu ăn của gia cầm có chứa β-carotene, người ta cũng nhận thấy có một sự tích tụ đáng kể trong túi bursa của gà (Koutsos và cộng sự, 2003). Mặt khác Cheng, Shen, Pang, và Chen ( 2001 ) đã ghi nhận rằng bổ sung Beta-carotene trong khẩu phần ăn tạo ra ảnh hưởng đáng kể đến hiệu giá kháng thể chống lại bệnh dịch tả gà.
Ngoài ra, Beta-carotene đóng một vai trò sinh học linh hoạt góp phần vào cải thiện năng suất và sức khỏe của gia cầm. Việc bổ sung Beta-carotene vào khẩu phần ăn không chỉ cải thiện năng suất sản xuất và sức khỏe của gia cầm mà còn nâng cao chất lượng của trứng và thịt. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bổ sung các Beta-carotene có nguồn gốc thực vật cho thấy nhiều hoạt động thúc đẩy sức khỏe ở gia cầm, sử dụng chúng trong thức ăn gia cầm như một phần của chất dinh dưỡng giúp gia cầm khỏe mạnh và cải thiện chất lượng sản phẩm (Langi, Kiokias, Varzakas và Proestos, 2018).
Dầu cọ đỏ (Perfat Ruby SK5) – một nguồn chứa Beta-carotene
Chi phí thức ăn cho gia cầm chiếm 65-75% tổng chi phí sản xuất trứng và thịt (McNab, 1999). Vì vậy, để nuôi gia cầm có lợi nhuận cao, thì người chăn nuôi cần cung cấp thức ăn một cách kinh tế và cân đối bằng việc sử dụng các chất béo thực vật bổ sung vào khẩu phần ăn của gia cầm như các loại dầu thực vật chiết xuất từ quả cọ (dầu cỏ đỏ) vừa giúp làm tăng lượng năng lượng trong thức ăn, làm tăng tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, vừa tạo ra sản phẩm thịt trứng thu hút người tiêu dùng sử dụng.
Dầu cọ đỏ là một loại dầu thực vật được chiết xuất từ thịt (cùi) của quả cọ từ cây cọ dầu, chứa một hàm lượng cao Beta-carotene ( tiền vitamin A) và tocotrienols (Vitamin E tự nhiên), các polyphenol và các acid béo mạch ngắn, mạch trung bình thiết yếu như oleic, linoleic, linolenic hay còn gọi là Omega 3, Omega 6, Omega 9… Dầu cọ thô sau khi ép có màu vàng, hoặc màu đỏ sậm do chúng chứa nhiều hàm lượng Beta-carotene và Vitamin E. Dầu cọ chứa 50% acid béo bão hòa s, 40% acid béo không bão hòa đơn và 10% acid béo không bão hòa đa , cũng như đủ lượng β-carotene, tocopherol và tocotrienols, là những chất chống oxy hóa tự nhiên. Nó cung cấp mật độ năng lượng cao trong khẩu phần. Các thành phần khác của dầu cọ bao gồm phytosterol, squalene, coenzyme, polyphenol, phospholipid, quinon, amino acid...
Dựa trên thành phần quan trọng đó, dầu cọ được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi,luôn là nguyên liệu được nhiều nhà máy lựa chọn. Dầu cọ đỏ (Cool Fat SK5) là một nguồn cung cấp Beta-carotene dồi dào với hơn 500ppm giúp cho gà đẻ cải thiện sắc tố da, trứng, giúp tăng cường sự tăng trưởng và tỷ lệ đẻ. Ngoài ra trong sản phẩm Cool Fat SK5 còn chứa các acid béo chuỗi mạch trung bình như: acid linoleic, acid palmitic, acid stearic, acid lauric, acid oleic… trong đó acid lauric (C12:0) và acid linoleic (C18:2) được nghiên cứu chứng minh là có tác dụng diệt khuẩn (Yoon et al., 2018) và có chứa vitamin E, tocopherols và tocotrienols, góp phần hỗ trợ hệ thống miễn dịch, bảo vệ sức khỏe, cải thiện tốc độ tăng trưởng, các thông số sinh lý và hướng đến xây dựng một khẩu phần ăn hạn chế bổ sung kháng sinh, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi gia cầm.
Saigon Nutrition Team